VII. Địa thủy sư

20 Tháng Năm 201411:17 CH(Xem: 14806)
VII - ĐỊA THỦY SƯ
Địa   thủy  sư

A - Giải Thích Cổ Điển.

1) Toàn quẻ :

- Tranh tụng tất có phe đảng, có chúng khởi. Vậy tiếp theo quẻ Tụng là quẻ Sư (Sư là quân đội, là quần chúng).

- Tượng quẻ là đất trên nước dưới, ở giữa đất có nước nhóm, tức là quần chúng. Lại có tượng nội quái là Khảm hiểm, ngoại quái Khôn là thuận, giữa đường hiểm mà đi bằng cách thuận, gợi ý đem quân đi đánh giặc.

- Trong quẻ, hào Cửu Nhị sai khiến được 5 âm. Cửu Nhị xử được đạo trung, ứng với Lục Ngũ, tượng như Chính phủ tín nhiệm một ông Tướng. Được vậy thì dù đi giữa đường hiểm mà cứ thản thuận được.

2) Từng hào :

Sơ Lục : nói lúc xuất sư, phải có chính nghĩa và kỷ luật (vì cư dương vị). Trái lại sẽ gập hung. (Ví dụ chư hầu họp đánh Đổng Trác, tuy có chính nghĩa nhưng vô kỷ luật, nên không phá được Trác, rồi chư hầu ly tán).

Cửu Nhị : dương hào cương âm vị, đắc trung, chỉ ông tướng giỏi, gồm đủ ân uy, trên lại ứng với Lục Ngũ là quốc trưởng, nên sẽ thành công. (Ví dụ Chu Du phò Tôn Quyền, phá Tào ở trận Xích Bích).

Lục Tam : bất chính bất trung, chỉ tướng vô tài, sẽ thua. (Ví dụ Trịnh tự Quyền cầm quân ra chống cự với Tây Sơn, quân chưa đánh đã tan vỡ) .

Lục Tứ : âm đắc chính, không đủ tài để tiến quân giao tranh, nhưng biết rút quân không tan rã (Ví dụ trước nạn xâm lăng Mãn Thanh, Ngô Thời Nhiệm khuyên Tây Sơn rút lui về núi Tam Điệp).

Lục Ngũ : ở vị chí tôn, tính nhu thuận, nếu chỉ xua đuổi quân xâm lăng ra khỏi cõi mà không đi gây sự ở ngoài, sẽ được vô cựu. (Ví dụ các vua ta, sau khi thắng được quân ngoại xâm, đều xin giảng hòa ngay).

Thượng lục : âm hào ở thượng cùng, chỉ kẻ tiểu nhân đắc chí. Lúc quẻ sư chấm dứt, đánh giặc đã thành công, đến lúc kiến thiết, đừng dùng kẻ tiểu nhân, nó sẽ làm loạn. (ví dụ Đường Minh Hoàng sau khi dẹp loạn Vi thị, tin dùng bọn tiểu nhân như Dương Quốc Trung, An lộc Sơn, nên sau gặp nguy)

B - Nhận Xét Bổ Túc.

1) Ý nghĩa quẻ Sư :

a) Ta nhận thấy ngay rằng trong quẻ này toàn hào âm, trừ Cửu Nhị làm chủ quẻ. Hào này dương cương đắc trung, thống lãnh được quần âm, hình dung một tướng lãnh đem quân đi đánh giặc.

b) Hoặc có thể hiểu khác nữa là trong quẻ này có một hào dương phải chiến đấu chống quần âm đè nặng lên mình. Đó là hình ảnh của sự chiến đấu nội tâm, giữa ý thức và những giặc lục trần lục căn, giữa Phật tính sáng sủa và các khuynh hướng đen tối của tiềm thức.

2) Bài học. :

Bài học của quẻ Sư khác hẳn bài học của quẻ Tụng (cả hai đều có hạ quái là Khảm, nhưng thượng quái ở Tụng là Càn còn ở Sư là Khôn). ở quẻ Tụng, thánh nhân khuyên nên dè dặt, từ tốn, không nên theo đuổi việc Tụng đến kỳ cùng. Trái lại ở quẻ Sư, ta có quyền nghĩ rằng:

a) Vị anh hùng lãnh đạo chống ngoại xâm phải tổ chức quần chúng chặt chẽ thành một khối đồng tâm, và chiến đấu như thác nước đổ. Ví dụ Danton, Nguyễn Huệ.

b) Trong trường hợp chiến đấu nội tâm, thì phải tận dụng đức cương cường của lý trí để trấn áp những dục vọng của tình cảm và xác thịt, không cho chúng ngóc đầu lên được. Tức là áp dụng phép Tứ Chính Cần của nhà Phật:

1. Những ác pháp đã sinh ra rồi, phải đoạn trừ ngay.

2. Những ác pháp chưa sinh, phải cấm ngay không cho nó nẩy nở.

3. Những thiện pháp chưa sinh, phải giúp cho chúng nẩy nở.

4. Những thiện pháp đã sinh ra rồi, phải làm cho nó tăng trưởng mãi lên .

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 2024(Xem: 141)
Sự đóng góp của giới nho sĩ trải qua các biến cố lịch sử.
15 Tháng Bảy 2024(Xem: 446)
Những định luật lịch sử
15 Tháng Hai 2024(Xem: 1414)
02 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2563)
27 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2571)
Bài mới nhất
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000