A. Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
Sau hai quẻ Càn, Khôn trình bầy đức tính của hai nguyên tố Âm, Dương chi phối vũ trụ, chúng sẽ giao dịch với nhau để mở ra các vận hội, tạo ra các tình thế.
Truân nghĩa là đầy, tức là lúc vạn vật mới sinh ra. Vì lúc đầu vạn vật mới sinh, chưa lấy gì làm hanh thái, nên truân còn có nghĩa là khốn nạn, gian truân. Trong quẻ này, Khảm là mây, thời chỉ mới thấy mây, nghe sấm mà chưa thấy mưa, nên gọi bằng Truân. Áp dụng vào nhân sự, thì là đời truân nạn, người quân tử phải đem tài kinh luân ra giúp đời, tức là bậc quân tử phải hành động (Chấn) để cứu đời qua hiểm (Khảm).
2) Từng Hào :
Sơ Cửu : đắc chính, chỉ người có tài ở vị trí thấp, nên còn dùng dằng, chờ gặp thánh chúa mới giúp nước. (Ví dụ: Khổng Minh ẩn náu ở Ngọa Long cương trước khi gặp Lưu Bị).
Lục Nhị : đắc chính đắc trung. Nhưng vì ở thời Truân, nên dụ dự nửa muốn kiên trinh với Ngũ, nửa muốn theo Sơ ở kề bên. Nên chờ Ngũ thì hợp hơn. (Ví dụ: Kiển Thạc không chịu ra làm quan với vua Ngu, đợi vua Tần mới chịu xuất chính).
Lục Tam : bất chính bất trung, không chịu suy nghĩ chín chắn mà bước liều. ở thời Truân, hấp tấp phò tá một vua hèn, sau sẽ hối (Ví dụ Trần Cung là bậc trung nghĩa có tài, mà lầm theo phò Lã Bố).
Lục Tứ : đắc chính, tức là vui ở phận kém, không tham vọng được nương tựa Cửu Ngũ, quay xuống ứng với Sơ Cửu. (Ví dụ: con gái nhà nghèo nên lấy trai quê tử tế, còn hơn lăng nhăng với công tử thị thành).
Cửu Ngũ : ở ngôi cao, nhưng ở thời Truân thực quyền ở Sơ Cửu, làm việc nhỏ thì được (ứng với lục Nhị), nếu mưu việc lớn sẽ thất bại. (Ví dụ Tự Đức có khả năng về văn học nghệ thuật, giá ở thời thái bình thì có thể là một vị thánh quân, nhưng vì ở thời Truân, tài trị nước đối phó với ngoại xâm lại không có, nên cơ nghiệp nhà Nguyễn phải xụp đổ).
Thượng Lục : Truân nạn đã đến cực điểm, mà thượng lại là bất tài và không có người tài giúp đỡ (cả Thượng và Tam đều âm), nên không đương nổi tình thế, càng cựa quậy càng thất bại. (Ví dụ: Lê Chiêu Thống, tự mình không đối phó được với quyền thần nhà Tây Sơn, hết cầu cứu với Nguyễn hữu Chỉnh lại đến quân Thanh, kết cục phải chết nhục ở bên Tầu).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Truân :
Tượng là quẻ nguy hiểm ở ngoài (Khảm) mà ở trong thì náo loạn (Chấn). Tức là những khó khăn gặp phải khi mới lập quốc, mới thành lập một tổ chức (chính trị, kinh tế, v . v .).
Nhưng ta cũng có thể giải thích rằng ở trong lúc hiểm (Khảm) mà dám hành động (Chấn) tất nhiên là người có tài phi thường, dám làm việc phi thường. Hiểu theo nghĩa này, thì Truân là ‘thời thế tạo anh hùng’, là lửa thử vàng, là gian truân hun đúc chí anh hùng. (Các quẻ trong kinh Dịch luôn luôn có 2 ý nghĩa như thế: một mặt cho biết tình trạng đang chờ đợi người bói, một mặt khác chỉ bảo cho biết nên đối phó với nó như thế nào).
2) Bài học :
a) Đề cao cảnh giác (Chấn) trước một tình thế nguy hiểm (Khảm), chớ vội vàng hành động. Đó là thái độ hành động của Sơ, Nhị, còn Tam và Thượng thì hấp tấp dấn thân, nên nguy.
b)Nếu tự biết mình không đủ sức đối phó với thời cuộc, thì nên ẩn nhẫn là hơn. Tứ và Ngũ nhận thức được điều đó, nên được an toàn.
Nói tóm lại bói được quẻ Truân không hẳn là quẻ xấu, tuy báo có nguy hiểm trước mắt, nhưng nên cẩn thận đề phòng và tích cực đối phó, thì sẽ thắng được. Bài học này đặc biệt áp dụng cho những vấn đề mạo hiểm, như khởi nghĩa lật đổ một chính quyền, hoặc bỏ vốn to kinh doanh trong lúc kinh tế chưa ổn định. Nhưng nếu có tài phi thường (hai hào đắc trung là Nhị và Ngũ đều đắc chính), thì chính là lúc khai sáng một triều đại như Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, hoặc trở thành tỷ phú triệu phú trong chớp mắt như những người đi tìm mỏ vàng, mỏ dầu.