Đàm Châu Quy Sơn

20 Tháng Năm 201410:55 CH(Xem: 16963)
Đàm Châu Quy Sơn

Linh Hựu Thiền Sư Ngữ Lục
Dịch Giả : Dương Đình Hỷ

Sư húy là Linh Hựu, người Phúc Châu, Trường Khê. Xuất gia năm 15 tuổi với Pháp Thường luật sư ở chùa Kiến Thiện. Nghiên cứu tiểu thừa, Đại thừa ở chùa Long Hưng ở Hàng Châu. Năm 23 tuổi tới Giang Tây theo Bách Trượng được Bách Trượng nhận là đệ tử nhập thất.


1- Một hôm, sư đứng hầu Bách Trương. Bách Trượng hỏi:
-Ai đứng đó?
-Là con, mô giáp.
-Ông thử tìm xem trong lò có lửa không?

Sư vạch bếp tìm lửa.
-Không có.

Bách Trượng thân vào bếp, vạch tro tìm được một tinh hỏa nói:
-Ông nói không, đây chả là lửa là gì?

Sư do đó ngộ, bèn vái lạy.
-Muốn biết tánh này phải quán thời tiết nhân duyên, như mê bỗng ngộ, như quên chợt nhớ, mới biết vật không từ ngoài tới, cho nên tổ sư nói ngộ như chưa ngộ, không tâm cũng không pháp chỉ là hư vọng, phàm thánh cùng một tâm, vốn tâm pháp tự đầy đủ. Ông đã tự đủ, hãy khéo giữ gìn.


2- Hôm sau, sư cùng Bách Trượng vào núi làm việc, Bách Trượng hỏi:
-Có lửa không?
-Đem lại ngay.
-Ở đâu vậy?

Sư giơ củi lên, thổi một hai cái rồi trao cho Bách Trượng. Bách Trượng nói:
-Như trùng đục cây.


3- Một hôm Tư Mã Đầu Đà tự Hồ Nam tới thưa:
-Tại Hồ Nam có một ngọn núi tên là Quy Sơn, là nơi chứa 1.500 thiện tri thức.
-Lão tăng ở được không?
-Không phải chỗ ở của hòa thượng.
-Tại sao vậy?
-Hòa thượng là xương, người người là thịt, nếu hòa thượng ở đó thì đại chúng không quá 1.000 người.
-Trong chúng có ai ở được không?
-Đợi coi sao.

Bách Trượng gọi Hoa Lâm Giác là đệ nhất toạ.
-Người này có được không?
Tư Mã bảo ông ho một tiếng và đi vài bước.
-Không được.

Bách Trượng sai thị giả gọi sư. Khi Tư Mã thấy sư, bèn nói:
-Đây chính là chủ của Quy Sơn đây.

Tối đến, Bách Trượng gọi sư vào thất:
-Tôi hóa duyên tại nơi này. Quy Sơn là thắng cảnh ông nên ở đó, nối truyền tông ta, dạy kẻ hậu học.


4- Hoa Lâm nghe chuyện thưa:
-Mô giáp là thượng thủ sao người được trụ trì mà để cho điển tọa ?
-Nếu ông có thể đối chúng nói một câu trúng cách thì tôi sẽ để ông trụ trì.

Bèn chỉ tịnh bình hỏi:
-Không gọi là tịnh bình, ông gọi là gì?
-Không thể gọi là khúc cây.

Bách Trượng lại hỏi sư. Sư đạp đổ tịnh bình đi ra.
Bách Trượng cười bảo:
-Đệ nhất tọa đã thua ngọn núi rồi.


5- Núi cao chót vót, không khói nhà gianh, chỉ có vượn là bạn. Chỉ ăn trái lật cho đỡ đói. Trải qua 5, 7 năm, không người lai vãng. Sư tự nhủ:
-Tôi ở đây chỉ vì lợi ích của mọi người, nếu không ai tới, tôi ở đây có lợi ích gì? Chi bằng đi nơi khác.

Sư đi đến sơn khẩu thấy rắn rết hổ báo chắn đường, sư nói:
-Các thú rừng chắn đường, nếu tôi có duyên với núi này thì các ngươi hãy ở yên đó, tôi tự nạp mạng cho các ngươi.

Các thú tự tán, sư trở về am cỏ. Không lâu, thủ tọa Lại An dẫn vài ông tăng từ Bách Trượng tới. Lại An thưa:
-Con nguyện làm thủ tọa cho hòa thượng, đại chúng được 500 tăng mới thôi.

Dần dần dân chúng tụ lại. Viên soái lý Cảnh Nhượng tâu vua ban hiệu là Đồng Khánh Tự, tướng quốc Bùi Hưu thường đến tham hỏi áo bí.
Sư thượng đường nói:
-Tâm của người tu đạo, phải chân thật không hư dối, không trước mặt, sau lưng. Trong mọi lúc thấy, nghe bình thường không ủy khúc, không nhắm mắt bịt tai, cũng không chạy theo vật. Từ trước chư thánh chỉ cho là như bẩn là bệnh, các ác tình là do tập. Tỷ như nước thu trong không động, không ngại đó là đạo nhân cũng gọi vô sự nhân. Lúc đó, có ông tăng hỏi :
-Người đốn ngộ có tu không?
-Nếu là chân ngộ thì tu hay không chỉ là lời nói hai đầu. Như nay sợ tâm, tuy tùy tâm được một niệm đốn nhưng từ vô kiếp tập khí chẳng trừ sạch thì phải dạy hắn trừ tận hiện nghiệp lưu thức tức là có tu. Không có một pháp, một xu hướng dạy hắn. Từ nghe vào lý, tâm tự viên minh. Không kể cảm tính hay trăm ngàn diệu nghĩa. Một trần chẳng thụ, không bỏ một pháp nếu một đao vào thẳng, thể lộ chân thường, lý sự không hai là như như Phật.

6- Quy Sơn hỏi một ông tăng:
-Xem kinh gì vậy?
-Vô môn đồng tử kinh.
-Có mấy cuốn?
-Hai cuốn.
-Đã vô môn sao lại chỉ có hai cuốn?

Ông tăng không trả lời được.


7- Có ông tăng lại lễ bái, sư định đứng dậy, ông tăng nói:
-Thỉnh hòa thượng đừng đứng dậy.
-Lão tăng chưa học ngồi.
-Mô giáp chưa học lạy.
-Sao ông vô lễ vậy?

Ông tăng không đáp được.


8- Có ông tăng hỏi:
-Chẳng làm đỉnh nón Quy Sơn, không làm dao động hàng xóm. Thế nào là đỉnh nón Quy Sơn?
-Ông lại gần đây?

Ông tăng lại gần, sư bèn đạp cho một cái.


9- Sư hỏi một ông tăng:
-Ông từ đâu tới?
-Từ Tây Kinh tới.
-Có thư của chủ nhân Tây Kinh không ?
-Không dám vọng đưa tin tức.
-Ông tăng nhà!
-Cơm thiu ai ăn?
-Chỉ có xà lê là không ăn.

Sư làm bộ nôn mửa.
-Kéo gã tăng bệnh này ra.

Ông bỏ đi.


10- Có ông tăng hỏi:
-Thế nào là Đạo?
-Vô tâm là Đạo.
-Mô giáp không hiểu.
-Hiểu cái không hiểu.
-Cái không hiểu là gì?
-Chính là ông, không là ai khác.

Lại nói:
-Người ngày nay tự hiểu chính mình. Chính tâm ông là Phật, nếu ông tìm Phật bên ngoài là vào đống cứt, làm bẩn tâm điền, do đó Đạo không còn là Đạo.

11- Ni cô Thiết Ma ở gần am Quy Sơn một hôm đến thăm. Quy Sơn thấy Thiết Ma tới, nói rằng:

-Mẹ trâu đã đến!

Ni cô nói:

-Ngày mai, Ngũ Đài Sơn có thiết trai phạn lão sư có tới không?

Quy Sơn nghe rồi, nằm xuống ngủ. Ni cô không nói một lời bỏ đi.

 

 

12- Đức Sơn đến tham Quy Sơn, hành lý trên lưng còn chưa bỏ xuống đã vào pháp đường đi từ Đông sang Tây xem xét, lại đi từ Tây sang Đông ngắm nghía rồi nói:

-Không! Không!

Định bỏ đi, nhưng ra đến cửa lại chần chờ và nói:

-Không được lạo thảo quá.

Bèn sửa sang lại quần áo, nhờ người dẫn vào gập Quy Sơn. Quy Sơn ngồi trong đó, thấy Đức Sơn vào định nắm lấy phất tử. Lúc đó Đức Sơn hét lên một tiếng lớn, phất tay áo mà đi.

Đến chiều Quy Sơn hỏi thủ tọa:

-Người mới đến lúc nãy ở đâu?

-Đã đi rồi !

-Gã này về sau lên đỉnh núi dựng am cỏ, quở Phật, mắng Tổ.

 

 

13- Một hôm Quy Sơn sai thị giả kêu viện chủ tới. Khi viện chủ tới Quy Sơn hỏi:

-Tôi kêu viện chủ ! Ông lại làm gì?

Viện chủ không trả lời được.

-Quy Sơn lại kêu thị giả kêu đệ nhất tọa đến. Khi đệ nhất tọa đến Quy Sơn hỏi:

-Tôi kêu đệ nhất tọa, ông lại làm gì?

Đệ nhất tọa cũng không trả lời được.

14. Có ông tăng hỏi Quy Sơn:

-Nghe nói hòa thượng thường dạy đại chúng tham câu “Hữu cú, vô cú như cây và dây leo” có phải không?

-Phải.

-Con có thể hỏi không?

-Đương nhiên! Ông cứ hỏi.

-Khi cây ngã, dây leo khô thì cú đi về đâu ?

Khi ấy Quy Sơn đang dùng bay trát tường bèn ném bay xuống đất cười ha hả mà đi về phòng.

 

 

15- Ngưỡng Sơn hỏi Quy Sơn:

-Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?

-Lồng đèn lớn.

-Chỉ là cái đó thôi sao?

-Cái đó là cái gì?

-Lồng đèn lớn.

-Quả nhiên ông chưa biết.

 

 

16- Quy Sơn đang ngủ, Ngưỡng Sơn vào thỉnh an. Quy Sơn quay mặt vào vách.

-Hòa thượng sao bận vậy?

-Tôi vừa nằm mộng, ông đoán thử coi.

Ngưỡng Sơn bèn bưng một chậu nước rửa mặt lại.

Một lúc sau Hương Nghiêm cũng vào thỉnh an.

-Tôi vừa nằm mộng, Ngưỡng Sơn đoán đúng rồi! Ông thử đoán coi.

Hương Nghiêm bèn bưng một tách trà lại.

 

 

17- Cuối kỳ hạ Ngưỡng Sơn đến gặp thầy:

-Cả kỳ hạ, tôi không thấy ông, ông đã làm gì?

-Con làm ruộng và gặt được một thùng kê.

-Vậy ông đã không uổng phí mùa kết hạ.

-Còn hòa thượng thì sao?

-Mỗi ngày tôi ăn một bữa vào chính ngọ, và ngủ vài giờ sau nửa đêm.

-Vậy hòa thượng đã không uổng phí mùa kết hạ.

Ngưỡng Sơn nói rồi thè lưỡi ra. Quy Sơn nhận xét:

-Ông nên thận trọng.

 

 

18- Ngưỡng Sơn hỏi:

-Trăm ngìn cảnh cùng đến thì phải làm sao?

-Xanh thì không vàng, dài thì không ngắn, mỗi pháp ở vị trí của nó, có quan hệ gì đến tôi.

Ngưỡng Sơn bèn vái lạy.

 

 

19- Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

-Cả ngày thương lượng với ông, được cái gì chứ?

Ngưỡng Sơn vẽ một nét trình sư. Sư nói:

-Nếu không phải là tôi, thì đã bị ông làm cho mê rồi.

 

 

20- Sư ngồi, Ngưỡng Sơn hỏi:

-Hòa thượng trăm tuổi rồi, có người hỏi Đạo pháp của người thì trả lời làm sao?

-Một cơm, một cháo.

-Có người không chịu thì sao?

-Ông tăng nhà!

Ngưỡng Sơn lạy.

-Gập người chớ nên bậy.

 

 

21- Nhân có ông tăng hỏi thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang? Sư giơ phất tử lên đáp. Về sau ông tăng gặp Vương Thường Thị. Thường Thị hỏi:

-Gần đay Quy Sơn có câu gì dạy người?

Ông tăng kể lại câu chuyện.

-Huynh đệ nơi đó thương lượng thế nào?

-Mượn sắc minh tâm, dùng vật rõ lý.

-Không phải lý đó, tôi có một thư mong ông mau về trao cho hòa thượng.

Ông tăng được thư trình lên cho hòa thượng và kể rõ đầu đuôi. Mở thư ra coi chỉ có hình vẽ một vòng tròn và chữ nhật viết ở trong.

-Ai biết ngoài ngàn dậm có tri âm!

Nhằm lúc Ngưỡng Sơn đứng hầu bên, bèn nói:

-Tuy nhiên là thế, nhưng vẫn là một tục hán.

-Ông làm gì?

Ngưỡng Sơn vẽ một vòng tròn, lấy ngón chân xóa đi chữ nhật bên trong. Sư cười ha hả.

 

 

22. Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

-Sinh, trụ, dị, diệt ông hiểu thế nào?

-Một niệm khởi thì không thấy sinh, trụ, dị, diệt.

-Ông làm sao được di giáo?

-Hòa thượng hỏi gì?

-Sinh, trụ ,dị, diệt.

-Đó còn gọi là pháp Di Giáo.

 

 

23- Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

-Diệu tĩnh minh tâm, ông hiểu thế nào?

-Sơn hà đại địa, mặt trời, mặt trăng, các vì sao.

-Ông chỉ được sự ấy.

-Hòa thượng hỏi gì?

-Diệu tĩnh minh tâm.

-Cũng gọi là tác sự được không?

-Là thế đó!

 

 

24- Một lần đi hái trà sư bảo Ngưỡng Sơn:

-Cả ngày hái trà tôi chỉ nghe tiếng ông mà không thấy hình ông. Ông chỉ được Dụng, không được Thể.

-Không biết hòa thượng thế nào?

Sư im lặng hồi lâu, Ngưỡng Sơn nói:

-Hòa thượng chỉ được Thể, không được Dụng.

-Tha ông 30 gậy.

-Gậy của hòa thượng con ăn, còn gậy của con thì ai ăn?

 

 

25- Sư đang ngồi, Ngưỡng Sơn vào, sư bảo:

-Hỏi đi! Đừng đợi tôi chết rồi mới hỏi.

-Huệ Tịch Tin mà chẳng Lập.

-Ông tin hay không tin mà chẳng lập.

-Chỉ là Huệ Tịch, lại tin vào ai?

-Nếu là vậy chỉ là Định tánh thanh văn.

-Với Huệ Tịch, Phật cũng chẳng Lập.

 

 

26- Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

-40 cuốn kinh Niết Bàn bao nhiêu là Phật nói, bao nhiêu là ma nói?

-Toàn là ma nói.

-Từ giờ trở đi không ai làm phiền ông.

-Chuyện Huệ Tịch một lúc, hành lý ở đâu?

-Chỉ cần con mắt chân chính, chẳng nói đến hành lý.

 

 

27- Một hôm Quy Sơn dẫn Ngưỡng Sơn đi chơi núi. Một con chim bay ngang làm rớt một quả hồng trước mặt hai người. Quy Sơn nhặt lên đưa cho Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn dùng nước rửa sạch rồi trao lại Quy sơn. Quy Sơn hỏi:

-Ông lấy được từ đâu vậy?

-Đó là do đạo đức của hòa thượng làm cảm động.

-Ông cũng không thể tay không.

Nói rồi bẻ quả hồng làm hai, chia cho Ngưỡng Sơn một nửa.

 

 

28- Quy Sơn đang gõ mõ, hỏa đầu phu đặt que cời bếp xuống, vỗ tay cười lớn. Quy Sơn lấy làm lạ tự hỏi: Sao trong đại chúng lại có người như vậy. Bèn kêu hỏa đầu phu lại hỏi:

-Ông có ý gì vậy?

-Con không ăn cháo, bụng đói thấy vui như vậy!

Quy Sơn chỉ im lặng gật đầu.

 

 

29- Quy Sơn giao cho Ngưỡng Sơn một tịnh bình. Ngưỡng Sơn giơ tay ra nhận. Quy Sơn rụt tay lại hỏi:

-Là cái gì?

-Hòa thượng còn thấy cái gì?

-Vậy sao còn cầu tôi.

-Tuy thế xách bình, múc nước là bản phận sự của con.

Quy Sơn bèn giao tịnh bình cho Ngưỡng Sơn.

 

 

30- Ngưỡng Sơn lên pháp đường giơ một cái gương Quy Sơn vừa cho hỏi đại chúng:

-Hãy nói coi là gương Quy Sơn hay là gương Ngưỡng Sơn, nếu có ai nói đúng thì gương sẽ không bị đập vỡ.

Đại chúng không ai đáp được. Ngưỡng Sơn bèn đập gương vỡ tan.

 

 

31- Có một lần Ngưỡng Sơn từ ruộng về, Quy Sơn hỏi:

-Ông từ đâu về?

-Ở ruộng về.

-Ngoài ruộng có nhiều người không?

Ngưỡng Sơn chống gậy đứng.

Quy Sơn lại nói:

-Hôm nay ở Nam Sơn có nhiều người cắt cỏ lắm.

Ngưỡng Sơn nhổ gậy mà đi.

32- Sư thượng đường bảo đại chúng:

-100 năm sau lão tăng xuống núi làm một con trâu đực trên sườn trái có viết 5 chữ: Quy Sơn tăng mỗ giáp. Lúc đó nếu gọi tôi là Quy Sơn tăng thì tôi không phải là con trâu đực, nếu gọi tôi là con trâu đực thì tôi không phải là Quy Sơn tăng. Vậy các ông phải kêu tôi là gi?

Ngưỡng Sơn từ đại chúng bước ra, lạy tạ rồi lui.

 

 

33- Ngưỡng Sơn hỏi Song Phong:

-Sư đệ, gần đây ông có kiến địa gì?

-Như chỗ đệ biết thì không có một pháp nào để được.

-Vậy là ông còn ở cảnh trần.

-Vì sao?

-Ông nói không một pháp có thể được, là còn một pháp có thể được.

-Đệ chỉ làm được thế. Căn không theo trần, tâm không ở cảnh, sư huynh thấy thế nào?

-Sao ông không truy cứu không một pháp có thể được?

Lão sư Quy Sơn đứng một bên, nghe lời đó, vui mừng khen:

-Huệ Tịch, câu nói này của ông có thể nghi hoặc người thiên hạ.

Song Phong không hiểu nếu đã không một pháp để được làm sao còn truy cứu. Quy Sơn biết tâm lý Song Phong bèn bảo:

-Ông chính là người thiên hạ.

 

 

34- Có ông tăng hỏi Thạch Sương:

-Ý Tổ sư từ Tây sang là gì?

-Nếu như có những rớt xuống giếng sâu 1.000 thước, ông không dùng dây mà cứu được hắn ra thì tôi sẽ bảo ông biết ý Tổ sư từ Tây sang là gì.

-Gần đây ở Hồ Nam có Xướng hòa thượng cũng hệt như thiền sư giảng Đông giảng Tây.

Thạch Sương kêu Ngưỡng Sơn đuổi ông tăng ra. Ngưỡng Sơn hỏi Đam Nguyên:

-Cứ ý thiền sư thì làm sao cứu được người trong giếng?

-Đồ ngốc, ai ở trong giếng?

Ngưỡng Sơn lại hỏi Quy Sơn:

-Làm sao để cứu được người ở trong giếng?

-Huệ Tịch!

-Dạ!

-Đã ra rồi!

Về sau Ngưỡng Sơn kể lại câu chuyện này cho đại chúng nghe và nói:

-Tôi ở với Đam Nguyên được danh, ở với Quy Sơn đắc địa.

 

 

35- Ngưỡng Sơn tham phỏng Quy Sơn. Quy Sơn hỏi:

-Ông là sa di có chủ hay không chủ?

-Có chủ.

-Chủ ở đâu?

Ngưỡng Sơn chạy từ Tây sang Đông, sau đó đứng yên. Quy Sơn rất tán thưởng.

 

 

36- Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:

-Trời lạnh hay người lạnh?

-Mọi người đều ở đây.

 

 

37. Có một hôm Quy Sơn bảo Ngưỡng Sơn:

-Có một tín đồ mang 3 bó lụa trắng đến mong tôi thỉnh chuông cầu phúc, cầu hòa bình an lạc cho thế nhân.

-Tín đồ đã thành tâm, hòa thượng lại nhận lễ vật, xin hỏi hòa thượng lấy gì để hồi báo?

Quy Sơn dùng gậy gõ vào giường 3 cái.

-Tôi lấy cái này hồi báo.

-Cái này dùng làm gì?

Quy Sơn lại gõ 3 cái nữa.

-Ông sợ còn chưa đủ sao?

-Con không hiểu. Cái này là của mọi người, con chỉ sợ hòa thượng không lấy cái này hồi báo.

-Ông đã rõ cái này của mọi người sao lại sợ tôi tìm vật khác để cho?

-Tự mình có đủ, sao còn làm phiền người khác?

-Tự mình có đủ, nhưng nếu không có người khác thì đâu biết được? Ông đã quên tổ Đạt Ma sang Trung Hoa chẳng là đem cái này chỉ người ta sao? Mỗi người các ông đều là người thọ tín vật.

 

38- Một hôm Quy Sơn hỏi Vân Nham:

-Bồ Đề lấy gì làm nền?

-Lấy vô vi làm nền.

Vân Nham hỏi ngược lại Quy Sơn:

-Lấy không làm nền, ông nghĩ sao?

-Ngồi thì nghe ngồi, nằm thì nghe nằm. Có một người nằm không ngồi. Nói Mau! Nói mau!

 

 

39- Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:

-Chúng sinh vì tâm bị nhiễm quá nghiêm trọng không biết tự có Phật tính. Ông có pháp nào để biết nghiệp thức họ ở đâu không?

-Con đương nhiên có biện pháp.

Chính lúc đó có một ông tăng đi qua, Ngưỡng Sơn kêu ông tăng một tiếng; ông tăng nghoảnh đầu lại.

-Hòa thượng coi! Đây là nghiệp thức mang mang không chỗ nắm bắt.

 

 

40- Sư hỏi Vân Nham:

-Nghe nói ông ở lâu với Dược Sơn có phải không?

-Dạ phải.

-Thế nào là tướng đại nhân Dược Sơn.

-Sau Niết bàn sẽ có.

-Sau Niết Bàn sẽ có là gì?

-Rưới nước chả dính.

-Tướng của đại nhân Bách Trượng thế nào?

-Nguy nga, đường đường, huy hoàng, trước không có tiếng sau sắc không danh, như muỗi đốt trâu sắt không chỗ cắm vào.

 

 

41- Sư hỏi Đạo ngô:

-Ông từ đâu tới?

-Xem bệnh tới.

-Có mấy người bệnh?

-Có người mắc bệnh, có người không.

-Người không mắc bệnh chẳng phải là Trí đầu đà sao?

-Mắc bệnh hay không mắc bệnh không liên quan gì đến kẻ khác. Nói mau! Nói mau!

-Có nói thì cũng chả giao tiếp gì với hắn.

 

 

42- Thạch Sương làm Mễ đầu ở Quy Sơn, một hôm đang sàng gạo. Sư nói:

-Đừng làm hao gạo của thí chủ.

-Không làm hao gạo đâu.

Sư nhặt một hạt gạo vương trên đất:

-Ông còn nói không làm hao gạo, vậy đây là cái gì?

Thạch Sương không đáp được, sư lại nói:

-Đừng coi nhẹ hạt gạo này, hàng trăm ngàn hạt khác từ hạt này mà ra.

Sư ha hả cười lớn, trở về phòng phương trượng.

43- Giáp Sơn làm điển tọa ở Quy Sơn, sư hỏi:

-Hôm nay ăn món gì?

-2 năm cùng một xuân.

-Ông tu sự tốt

-Rồng ở tổ phụng.

44- Ngưỡng Sơn đang đập áo, hỏi sư:

-Ngay lúc đó, hòa thượng làm gì?

-Ngay lúc đó tôi chẳng làm gì.

-Hòa thượng có thân mà vô dụng.

Sư im lặng hồi lâu, giơ phất tử lên hỏi:

-Ngay lúc đó ông làm gì?

-Ngay lúc đó, hòa thượng còn thấy cái đó không?

-Ông có Dụng mà không Thân.

Và bỗng hỏi:

-Trong tuổi thanh xuân ông có lời chưa vẹn, nay thử nói xem?

-Ngay lúc đó chớ khởi niệm kiện cáo.

-Đình tù, trưởng trí.

 

 

45- Linh Vân mới đầu tại Quy Sơn, nhân thấy hoa đào mà ngộ đạo làm bài kệ:

Ba mươi năm trời tìm kiếm khách

Bao lần chồi mọc rồi lá rơi

Sau khi thấy được hoa Đào nở

Chẳng nghĩ gì nữa tới hôm nay.

Sư xem bài kệ này, câu kết là giác ngộ, sư nói:

-Tòng duyên mà ngộ, không bị thối chuyển, hãy giữ cho tốt.

 

 

46- Sư thượng đường nói:

-Các ông chỉ được đại cơ, không được đại dụng.

Chính lúc đó Cửu Phong, đang ở trong chúng rũ áo mà ra. Sư gọi lại, Cửu Phong bỏ đi không ngoảnh đầu lại. Sư nói:

-Gã này pháp khí tốt.

Một ngày, Cửu Phong từ giã:

-Mô giáp, từ giã hòa thượng, dù ở ngoài muôn dặm cũng không rời tả, hữu.

Sư nói:

-Làm tốt lắm!

 

 

47- Một ngày sư thấy Hương Nghiêm và Ngưỡng Sơn làm bánh, sư nói:

-Lúc ấy, Bách Trượng thâu được Đạo lý ấy.

Ngưỡng Sơn, Hương Nghiêm nhìn nhau:

-Ai trả lời được câu hỏi đó?

-Có người trả lời được.

Ngưỡng Sơn hỏi:

-Là ai ?

Sư chỉ con trâu đực.

Ngưỡng Sơn mang bó cỏ lại, Hương Nghiêm mang thùng nước tới, để trước mặt trâu. Trâu ăn cỏ, uống nước.

-Cho cái gì, không cho cái gì?

2 người cùng lạy, sư nói:

-Lúc sáng, lúc tối.

48- Một ngày, sư dục nhân môn trình ngữ:

-Ngoài thanh sắc cùng tôi tương kiến.

Lúc ấy có U Châu giám hoằng ở đó trình ngữ:

-Gã không mắt chẳng lìa chỗ đó.

Sư chẳng chịu, Ngưỡng Sơn nói:

-Kiến thủ, bất kiến thủ.

-Nhỏ như lông, lạnh như tuyết.

-Ngoài thanh sắc, ai cần tương kiến?

-Chỉ kẹt thanh văn.

-Như hai gương chiếu nhau, không có hình tượng.

-Lời này là chánh.

Ngưỡng Sơn hỏi:

-Khi hòa thượng ở với Bách Trượng, trình ngữ thế nào?

-Trăm ngàn gương sáng, hình bóng chiếu nhau, đến một hạt bụi cũng chẳng sai.

Ngưỡng Sơn nghe rồi bèn lạy.

 

 

49- Có một lần Quy Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đều đứng hầu Bách Trượng. Bách Trượng hỏi Quy Sơn:

-Ngậm miệng làm sao nói pháp?

-Thỉnh hòa thượng nói.

-Tôi không nói cho ông biết sợ tuyệt con cháu.

Bách Trượng lại hỏi Ngũ Phong:

-Hòa thượng câm miệng lại.

-Cơ phong của ông sắc bén quá, sợ người tu đạo không dám thân cận, kính phục mà xa lánh vậy.

Bách Trượng lại hỏi Vân Nham.

-Hòa thượng có cái đó thật sao?

-Cứ như cách nói của ông, tôi sẽ không có người thừa kế.

 

 

50- Sư cùng Ngưỡng Sơn cùng đi, sư chỉ cây bách hỏi:

-Trước mặt là cái gì?

-Là cây bách.

Sư hỏi một lão nông, lão nông đáp:

-Chỉ là cây bách.

-Đằng sau lão nông có 500 chúng, họ từ đâu về?

-Từ ruộng về.

-Có gặt lúa không?

-Có gặt.

-Lúa xanh, lúa vàng hay không xanh, không vàng?

 

 

51- Quy Sơn thượng đường bảo đại chúng:

-Mỗi năm mùa Đông lập lại những ngày lạnh. Năm ngoái cũng lạnh như năm nay, và sang năm cũng lạnh như thế này. Các ông hãy cho tôi biết những ngày nào của năm được lập lại?

Ngưỡng Sơn bước ra lạy rồi đứng im.

-Tôi biết ông không trả lời được câu hỏi của tôi.

Và quay sang hỏi Hương Nghiêm:

-Còn ông thì sao?

-Con có thể trả lời được câu hỏi của hòa thượng.

Nhưng trước khi ông định nói thêm thì Quy Sơn đã cắt ngang:

-Tôi rất mừng Ngưỡng Sơn đã không trả lời được câu hỏi của tôi.

 

 

52- Đặng Ẩn Phong đến thăm Quy Sơn. Đến nơi vào ngay thiền đường để y bát nơi thủ tọa. Quy Sơn nghe sư thúc tới vội sửa y phục chỉnh tề, đến thiền đường thăm hỏi. Đặng Ẩn Phong thấy Quy Sơn đến bèn nằm ngay xuống ra dáng đang ngủ. Quy Sơn chỉ còn cách trở về phòng phương trượng. Ẩn Phong bèn đi. Một lúc sau Quy Sơn hỏi thị giả:

-Sư thúc còn ở đây không?

-Đã đi rồi!

-Khi đi sư thúc có nói gì không?

-Không nói gì cả.

-Tuy rằng không nói, nhưng tiếng như sấm.

 

 

53- Hương Nghiêm tham phỏng Quy Sơn. Quy Sơn nói:

-Tôi nghe nói khi ông ở với Bách Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm vì ông thông minh lanh lợi. Nay sanh tử là việc lớn, tôi hỏi ông lúc cha mẹ chưa sanh thì mặt mũi ông thế nào?

Câu hỏi này làm Hương Nghiêm không biết đâu mà đáp. Về phòng đem những sách vở thường đọc, giở xem từng quyển hy vọng tìm lời giải đáp mà không thấy. Nhân đó cảm khái nói rằng:

-Bánh vẽ trong sách không làm giảm cơn đói của tôi.

Do đó yêu cầu Quy Sơn giải thích bí mật. Quy Sơn từ chối:

-Giả sử nay tôi giải thích cho ông, tương lai ông sẽ mắng chửi tôi. Vả lại, những kiến giải của tôi không liên quan gì đến ông cả.

Hương Nghiêm cực kỳ thất vọng đem hết sách vở ra đốt, phẫn hận mà rằng:

-Tôi là gã chẳng ra gì, học Phật chẳng nổi chỉ nên làm một vị tăng hóa duyên khất thực mà thôi!

Bèn từ biệt Quy Sơn vân du khắp nước. Khi tới Nam Dương bèn đi tham bái di tích của quốc sư Huệ Trung và tạm trú ở đó. Một ngày kia, chính lúc đang rẫy cỏ, bẩy một hòn gạch văng lên, chạm vào cây tre kêu thành tiếng. Tiếng động ấy bỗng nhiên đưa Hương Nghiêm vào ngộ cảnh. Hương Nghiêm bèn về phòng tắm gội sạch sẽ, đốt hương vào quãng không, nói:

-Sư phụ, ơn huệ của người còn lớn hơn ơn cha mẹ sinh thành, nếu sư phụ giảng cho con lúc đó thì con đâu có ngày nay.

Hương Nghiêm cảm kích làm một bài kệ dâng Quy Sơn như sau :

Tiếng dội quên cái biết

Chẳng tu giả làm gì

Cứ tu theo đường cũ

Chẳng rơi vào các cơ

Chốn chốn không dấu vết

Thanh, sắc tác dụng chi

Kẻ đạt đều như vậy

Cơ nhất biết nói gì?

 

 

54- Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

-Ông từ đâu tới?

-Từ ruộng tới.

-Lúa đã gặt chưa?

Ngưỡng Sơn làm bộ gặt.

-Ông lại đây làm xanh thấy vàng, không làm xanh không thấy vàng.

-Sau lưng hòa thượng là cái gì?

-Ông còn thấy không?

Ngưỡng Sơn đưa nhánh lúa lên:

-Sao hòa thượng lại hỏi cái này?

-Đó là Nga vương chọn sữa.

 

 

55- Sư đang ngồi bỗng Ngưỡng Sơn từ phương trượng đi qua, sư nói:

-Nếu Bách Trượng thấy ông đã ăn gậy rồi.

-Hôm nay có chuyện gì?

-Câm mồm ông lại.

-Ơn này khó báo.

-Chẳng phải ông bất tài là do lỗi lão tăng.

-Hôm nay thân thấy lão ông Bách Trượng.

-Thấy ở đâu?

-Không nói thấy, chỉ là vô biệt.

-Chung quy là tác gia.

 

 

56- Nhơn Lục thị ngự vào tăng đường hỏi:

-Vì sao nhiều sư tăng chỉ là tăng cơm cháo chứ không phải là tăng tham thiền?

-Cũng không phải là tăng cơm cháo, cũng không phải là tăng tham thiền.

-Vậy ở đây làm gì?

-Tự mình hỏi xem.

 

 

57- Sư nhân trát vách có Lý Quân Dung tới.

Dung mặc áo quan cầm hốt đứng ngay sau lưng sư. Sư ngoảnh đầu lại nhìn chậu vữa, làm vẻ nhận chậu vữa. Lý chuyển hốt làm dáng vào chậu vữa. Sư liền ném chậu vữa xuống đất và trở về phòng phương trượng.

 

 

58- Quy Sơn sắp mất, một ông tăng hỏi:

-Hòa thượng mất rồi sẽ đi đâu?

-Xuống núi làm trâu.

-Con có thể đi cùng hòa thượng không?

-Nếu ông muốn đi với tôi đừng quên mang theo bó cỏ.

 

 

59- Có ông tăng thăm Vệ Quốc. Vệ Quốc hỏi:

-Từ phương nào tới?

-Từ Hà Nam tới.

-Hoàng Hà lúc nào trong?

Ông tăng không trả lời được. Sư trả lời thay:

-Nhỏ cô nhi, muốn sai thì sai, nghi Dụng làm gì.

 

 

60- Sư bảo chúng:

-Các ông tự trình ngộ cảnh coi.

Lúc đó có thượng tọa Lý Hòa bước ra lạy, sư nói:

-Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay chính lúc đó hãy trả lại tôi khuôn mặt của thượng tọa Chí Hòa.

-Chính lúc đó mô giáp bỏ thân mạng.

-Ông không rơi vào không chứ?

-Nếu mô giáp biết có thể rơi vào không, thì sao lại bỏ thân mạng.

-Đến đây sao không hỏi đi?

-Mô giáp đến đây không thấy có hòa thượng để hỏi.

-Ông phúc bạc, nâng tông tôi lên không nổi.

 

 

61- Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm cùng đứng hầu sư, sư nói:

-Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, tương lai cùng chỉ đường giải thoát cho mọi người.

Ngưỡng Sơn hỏi:

-Thế nào là con đường giải thoát của mọi người?

Sư nghoảnh đầu nhìn Hương Nghiêm:

-Ngưỡng Sơn đã hỏi, sao không trả lời đi?

-Nếu nói về chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai thì con không có lời đáp.

Nói rồi trân trọng đi ra.

Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

-Hương Nghiêm đáp vậy có khế hợp với ông không?

-Không.

-Vậy ông làm gì?

Ngưỡng Sơn trân trọng đi ra.

Sư cười lớn ha hả.

-Như hỗn hợp sữa nước.

 

 

62- Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm cùng đứng hầu sư. Sư giơ tay lên nói:

-Ngày nay người ngộ ít, người không ngộ nhiều.

Hương Nghiêm từ Đông sang Tây đứng. Ngưỡng Sơn từ Tây sang Đông đứng.

-Cái nhân duyên này thì 50 năm sau như ném vàng xuống đất.

Ngưỡng Sơn nói:

-Là hòa thượng đề xướng.

Hương Nghiêm nói:

-Ngày nay cũng chẳng thiếu.

Sư nói:

-Câm mõm chó ông lại.

 

 

63- Sư đang ngồi, Ngưỡng Sơn đi vào, sư hai tay giao nhau thị ý. Ngưỡng Sơn lạy như đàn bà. Sư nói:

-Như vậy! Như vậy!

 

64- Sư đang ngồi trong phương trượng, Ngưỡng Sơn đi vào.

-Gần đây, trong tông môn có gì không?

-Có người đã nghi chuyện này!

-Ông làm gì?

-Con chỉ nhắm mắt ngồi thiền, cho nên không nói được gì.

-Đến ra mộng cũng khó.

-Theo ý con, để chấp một câu cũng không có.

-Ông vì một người nên không được.

-Từ xưa, chư thánh đều vậy.

-Có người cười ông trả lời như vậy.

-Người cười vậy là bạn đồng tu của Ngưỡng Sơn.

-Ông làm gì đi chứ?

Ngưỡng Sơn đi nhiễu thiền sàng một vòng.

-Ông đã phá lệ cổ kim.

 

 

65- Sư thượng đường, một ông tăng bước ra thưa:

-Thỉnh hòa thượng vì chúng sinh thuyết pháp.

-Tôi sẽ vì ông thấu suốt khổ.

Ông tăng lạy tạ.

66- Một hôm, sư bảo đại chúng:

Có nhiều người chỉ được đại cơ, không được đại dung.

Ngưỡng Sơn đem câu nói này đi hỏi am chủ ở dưới chân núi:

-Câu này là ý gì?

-Ông nhắc lại coi.

Ngưỡng Sơn bèn nhắc lại, am chủ đạp cho một đạp ngã lăn trên đất. Ngưỡng Sơn về kể lại cho sư nghe. Sư ha hả cười lớn.

 

 

67- Ngưỡng Sơn đang nằm nghỉ trên thiền sàng, một ông tăng hỏi:

-Pháp thân có thể lý giải những lời Phật nói hay không?

-Câu hỏi của ông tôi không trả lời được, nhưng có một người có thể trả lời được.

-Người ấy ở đâu?

Ngưỡng Sơn đưa ra một cái gối. Sư nghe được chuyện này bảo:

-Gã tiểu quỷ Huệ Tịch nay đã dùng gươm báu mà biện sự.

 

 

68- Một lần sư thấy Ngưỡng Sơn tới, bèn dùng 5 ngón tay vẽ một vạch. Ngưỡng Sơn dùng khủy tay vẽ một vạch và giơ tay lên. Sư bèn thôi.

 

 

69- Sư bảo Ngưỡng Sơn:

-Ông nên tu hồi quang phản chiếu, mọi người không biết kiến giải của ông, nhưng kiến giải thật của ông hãy đem trình lão tăng xem thử.

-Nếu vậy mô giáp tự quán thì tới đây không có viên vị, không có một vật thì trình hòa thượng cái gì?

-Không viên vị, nguyên lai ông chưa lìa tâm cảnh.

-Nều đã không viên vị, chỗ nào có pháp, lấy vật gì làm cảnh?

-Đó là cách giải thích của ông có phải không?

-Phải.

-Nếu tâm cảnh đầy đủ, chưa nói có tâm, nguyên lai có giải, hãy nói tôi nghe lý giải của ông biết rằng nhân vị ẩn, tín vị hiển.

 

 

70- Sơ Sơn hỏi:

-Thế nào là một câu không rơi vào thanh sắc?

Sư giơ phất tử lên.

-Đó vẫn là rơi vào thanh sắc.

Sư ném phất tử xuống đất, trở về phòng. Sơ Sơn không khế hợp, từ biệt Hương Nghiêm. Hương Nghiêm bảo:

-Sao không ở lại?

-Mô giáp vô duyên với hòa thượng.

-Vì duyên cớ nào? Kể ra coi.

Sơ Sơn thuật lại chuyện. Hương Nghiêm nói:

-Mô giáp có một lời nói.

-Nói đi.

-Lời nói không tiếng, trước sắc vô vật.

-Nguyên lai chỗ này cũng có người, về sau nếu hòa thượng trụ trì nơi nào mô giáp sẽ lại bái kiến.

Nói rồi bèn đi. Sư hỏi Hương Nghiêm:

-Người hỏi thanh sắc đâu?

-Đi rồi!

-Kể lại xem.

Hương Nghiêm bèn thuật lại. Sư hỏi:

-Ông ta nói gì?

-Thâm sâu về mô giáp.

Sư cười nói:

-Tưởng tên lùn đó có ý gì sâu xa, hóa ra chỉ có thế, nếu đương sự trú ở núi thì không có củi đốt, ở gần sông thì không có nước uống.

 

 

71- Sư hỏi Ngưỡng Sơn:

-Chuyện ngày nay không hỏi, còn chuyện cũ thì sao?

Ngưỡng Sơn khoanh tay tiến lên trước.

-Hãy còn là chuyện nay, chuyện cũ thì sao?

Ngưỡng Sơn lùi về sau rồi đứng.

-Ông thua tôi, tôi thua ông.

Ngưỡng Sơn bèn lạy tạ.

 

 

72- Sư xem bài kệ của Hương Nghiêm (xem bài 53) nói:

-Hương Nghiêm đã ngộ rồi.

Ngưỡng Sơn nói:

-Đó là do tâm cơ ý thức, đợi con khám phá đã.

Sau Ngưỡng Sơn tham kiến Hương Nghiêm:

-Sư phụ nói ông phát minh đại sự, thử nói ra coi.

Hương Nghiêm đọc bài kệ trên.

-Đó chỉ là tập ký mà thành, nếu thực ngộ hãy nói ra coi.

Hương Nghiêm đọc bài kệ:

Năm ngoái nghèo chưa là nghèo

Năm nay, nghèo mới là nghèo

Năm ngoái còn có dùi cắm

Năm nay dùi cắm đâu nào?

-Ông chỉ thấy Như Lai thiền, còn Tổ sư thiền thì nằm mộng cũng không thấy.

Hương Nghiêm bèn đọc bài kệ thừ hai:

Tôi có một cơ

Chớp mắt là y

Nếu người chẳng hiểu

Chớ gọi sa di.

Ngưỡng sơn về báo lại cho Quy Sơn:

-Đáng mừng! sư đệ đã ngộ Tổ sư thiền.

 

 

73- Nhân làm tương, sư hỏi Ngưỡng Sơn:

-Phải cho vào bao nhiêu muối?

-Mô giáp không biết.

-Lão tăng cũng không biết.

-Không biết phải dùng bao nhiêu muối nhỉ?

-Ông không hiểu tôi cũng không đáp.

Chiều lại, sư hỏi:

-Nhân duyên hôm nay ông tính thế nào?

-Đợi hỏi rồi đáp.

-Bây giờ hỏi nè.

-Mắt hoa, đầu váng: nghe nhìn chẳng hiểu.

-Nếu có hỏi đáp, nói ra là đã sai rồi.

Ngưỡng Sơn lạy tạ.

-Ông chẳng phải là trẻ con mà quên trước, mất sau.

 

 

74- Sư nhân thấy Ngưỡng Sơn và Bắc Am chủ bèn lại hỏi thăm, lúc đó quan khách đang uống trà. Sư chỉ vị quan nhân nói:

-Cùng đến tham cổ Phật.

Am chủ nói:

-Trăm năm sau kiếm người kể chuyện này cũng hiếm.

-Ngày nay thì sao?

-Uốn lưỡi, đáp không được.

-Quan nhân tự nói không được.

-Ngưỡng Sơn chẳng chấp nhận câu nói này đâu!

-Làm am chủ cũng khó lắm.

 

 

75- Có ông tăng hỏi :

-Chư thánh tăng từ xưa đến nay và hòa thượng ý chỉ thế nào?

-Trước mắt là vật gì?

-Chẳng là cái đó sao?

-Cái đó.

-Chỉ để dối thôi.

-Vứt cái đó đi thì sẽ vô sự.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tám 2024(Xem: 353)
20 Tháng Tám 2024(Xem: 353)
14 Tháng Tám 2024(Xem: 419)
Ông Năm vấn đáp pháp kiến tánh thành Phật
10 Tháng Bảy 2024(Xem: 825)
05 Tháng Bảy 2024(Xem: 621)
24 Tháng Ba 2024(Xem: 19361)
22 Tháng Hai 2024(Xem: 2252)
10 Tháng Hai 2024(Xem: 2068)
Bài mới nhất
Hội nhập | Ghi Danh
KHÁCH VIẾNG THĂM
1,000,000